Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
4
3
6
5
1
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 3:55:00 CH

KHoác lên mình chiếc áo mới

 Nằm ở phía Tây Bắc thành phố, tách ra từ huyện Hóc Môn vào tháng 4/1997, Quận 12 đã hoàn toàn khoát lên mình chiếc áo mới của thời công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Ấn tượng nhất của người dân nơi đây và cả những người xa quê lâu năm là những nét mới cùng sự đổi thay đến không ngờ từ một vùng đất dữ của hơn 35 năm về trước.

Trước ngày giải phóng 30-4-1975, bất cứ người dân lương thiện nào khi đi ngang qua cung đường xa lộ Đại Hàn (bây giờ là QL 1A), từ Tân Thới Hiệp đến ngã tư An Sương rồi vòng lên ngã tư Trung Chánh, đều phải e dè lo ngại bởi trùng trùng những doanh trại sản sinh ra những công cụ chiến tranh của chế độ Mỹ ngụy. Đó là Trung tâm huấn luyện Quang Trung – một trại huấn luyện quân sự khét tiếng ác ôn thời bấy giờ của guồng máy chiến tranh Mỹ ngụy.
Theo tài liệu lịch sử truyền thống huyện Hóc Môn, cuộc đấu tranh giữa ta và địch ở khu vực trại huấn luyện Quang Trung vào các năm 1957 – 1958 ngày càng diễn ra ác liệt. Nhiều ông bà già quyết giữ đất không chịu dời nhà, đã dùng đến dao mác gậy gộc để chống trả lại ngụy quyền. Cuối cùng do nhân dân nhiều lần đấu tranh lên Quốc hội ngụy nên tốc độ xây dựng có chựng lại. Đến đầu thập niên 1960 chúng đã hoàn thành việc lập căn cứ này, hình thành 12 trại huấn luyện với nhiều tên gọi khác nhau (Trung tâm 3 tuyển mộ - nhập ngũ, trại Quang Trung, Mỹ Huề, Tây Sơn, Lê Lợi, Võ Tánh, Bùi Khư Duệ, Bạch Đằng, Nguyễn Tri Phương, Châu Văn Tiếp, Trần Quốc Toản, Vương Mộng Hồng, trong đó nổi tiếng là trại Vương Mộng Hồng chuyên đào tạo lính dù ngụy). Mỗi trại có từ 6 đến 14 tiểu đoàn tân binh, ngoài ra còn cả một tiểu đoàn bộ binh vũ trang phòng vệ túc trực, thường xuyên tăng cường bởi một tiểu đoàn an ninh thuộc Bộ Tổng tham mưu và một số lực lượng an ninh đặc biệt trực thuộc Ty an ninh Gia Định.
Vào thời điểm ác liệt nhất của năm 1972 - 1973 tân binh và lính ngụy ở trung tâm huấn luyện Quang Trung tăng đến gần 20.000 tên. Trong suốt cuộc chiến, lò đào tạo này đã cung cấp gần cả triệu lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ và tay sai.
Sau 35 năm, dinh lũy khét tiếng này đã không còn vết tích, toàn bộ khu Trung tâm 3 tuyển mộ - nhập ngũ của chế độ cũ ngày xưa bây giờ là những dãy phố lầu khang trang nằm dọc Quốc lộ 22, con đường xẻ đôi khu doanh trại dày đặc hàng rào dây thép gai, công sự, lô cốt ngày nào bây giờ mang tên vị tướng lừng danh Tô Ký, trên con dường này là những khu phố lầu kiến trúc nguy nga hiện đại. Một phần của các trại huấn luyện Quang Trung đối diện QL 1A là khu Công viên Phần mềm Quang Trung (CVPMQT) tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với những tòa nhà uy nghi – nơi làm việc, học tập của hàng chục ngàn trí thức trẻ của cả nước.
Một lãnh đạo của CVPMQT cho biết, từ nguồn vốn ngân sách khoảng 210 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở hạ tầng với trên dưới 20 doanh nghiệp ban đầu, đến nay khu CVPMQT đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) và đào tạo nhân lực với tổng vốn đăng ký kinh doanh hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chọn CVPMQT ở quận 12 làm nơi an cư lạc nghiệp, chiếm 75% số doanh nghiệp tại đây. Bên cạnh đó, có khoảng 35 doanh nghiệp kinh doanh văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, đã tạo ra nhiều tiện ích thu hút doanh nghiệp người lao động đến làm việc, học tập.
 Là một trong những quận vùng ven được thành lập chưa lâu, nhưng quận 12 rất đỗi tự hào vì có một Khu phần mềm lớn nhất nước. Hiện thành phố đang giao CVPMQT quản lý toàn bộ hệ thống website, email cũng như các hoạt động xác thực, an ninh và an toàn mạng cho chính quyền thành phố. Tới đây CVPMQT còn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp hạ tầng cho các hoạt động của chính phủ và chính quyền thành phố như hội nghị trực tuyến, lưu trữ dữ liệu, phát triển ứng dụng CNTT của thành phố.
 
 
Tin, ảnh: Trịnh Hải

Số lượt người xem: 4210    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày