Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
5
7
9
6
Tin tức sự kiện 06 Tháng Năm 2011 7:55:00 SA

Xã hội hóa: Nội lực phát triển trên lĩnh vực văn hóa-xã hội quận nhà

Quận 12 trong những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - văn hóa – xã hội. Trong đó phải kể đến quận luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế và các hoạt động văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên thực tế đôi lúc cũng không được như mong muốn, do đó, chương trình xã hội hóa trên các mặt đã được quận thực hiện để mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình phát triển đi lên của quận.

 

Đầu tiên, có thể nói, xã hội hóa giáo dục là một việc làm hết sức tốt đẹp. Nó mời gọi mọi thành phần xã hội cộng tác nhằm nâng cao chất lượng của sự nghiệp “trồng người”. Thực tế cho thấy, nhờ có xã hội hóa mà bộ mặt các trường học được cải thiện khang trang, sạch sẽ hơn, lớp học cũng rộng rãi, thoáng mát hơn, chất lượng học tập được cao hơn.
Và thực tế hiện nay, các trường trên địa bàn quận cũng đang thực hiện khá tốt chương trình này. Trên toàn quận hiện nay có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là trường Mầm non Sơn ca 5, trường tiểu học Nguyễn Khuyến và trường THCS An Phú Đông. Có 1 trong 5 tiêu chuẩn để xét công nhận trường đạt chuẩn là tiêu chuẩn về xã hội hóa giáo dục. Các hoạt động xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội được trường Mầm non Sơn Ca 5 thực hiện rất tốt thông qua các hoạt động như thông qua bảng tin trường, giờ phát thanh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh cách giáo dục và chăm sóc sức khỏe – phòng dịch cho trẻ. Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia và giám sát các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trường như mời phụ huynh dự giờ hoạt động có chủ đích, hoạt động vui chơi và giờ ăn của trẻ; gần đây nhất, khu trò chơi dân gian của trường đã được đưa vào sử dụng từ nguồn đóng góp, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Trong khuôn viên rộng rãi và thoáng mát của trường, các trò chơi như nhà chòi, đi cầu khỉ, gói bánh chưng… được các em tham gia rất nhiệt tình.
Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến thì tham gia Hội đồng Giáo dục phường, tham gia tốt Đại hội giáo dục cơ sở, liên kết chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trong việc hỗ trợ cho trường trong các hoạt động ngoại khóa như tổ chức Tết Nhi đồng (1/6), Tết trung thu, tết Nguyên đán, thực hiện việc khen thưởng giáo viên, học sinh kịp thời. Trong công tác chủ nhiệm, giáo viên sử dụng hiệu quả sổ liên lạc giúp phụ huynh hiểu rõ tình hình học tập của con em, có kế hoạch giúp con em học tập tốt hơn. Trường THCS An Phú Đông cũng đã huy động lực lượng xã hội tham gia hoạt động giáo dục học sinh của nhà trường như tuyên truyền các chỉ đạo, quy định pháp luật cho CMHS biết qua các buổi họp; phối hợp với UBND phường hỗ trợ các nguồn quỹ cho giáo dục như Hội khuyến học, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, Công an phường tặng tập vở cho học sinh ngèo vượt khó hàng năm 600 quyển… Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ tại địa phương như tổ chức làm lồng đèn ủng hộ cho thiếu nhi phường; tặng quà cho thanh niên phường nhập ngũ, thăm viếng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công cách mạng, tham gia các phong trào văn thể mỹ do hội nông dân, khối dân vận và đoàn phường tổ chức.
Công tác xã hội hóa giáo dục không chỉ bó hẹp trong tiêu chuẩn của các trường đạt chuẩn quốc gia, mà nó còn là chủ trương chung của phòng Giáo dục Đào tạo và UBND quận, phường. Điển hình như tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Hiệp Thành) vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng công trình 10 phòng học do Tu viện Vĩnh Nghiêm tài trợ với số tiền trên 4 tỷ đồng. Có thể nói, bằng hình thức này, xã hội nói chung và từng gia đình có con em theo học tại các trường nói riêng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc cùng chăm lo cho công tác giáo dục.
Trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong những năm qua, ngành y tế quận 12 đã có sự phát triển trên nhiều mặt. Cơ sở Bệnh viện quận 12 với qui mô 100 giường bệnh đã được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004; đã có 10 trạm y tế phường được xây dựng theo quy chuẩn mới. Nhiều chương trình y tế mới như phòng chống bệnh tim mạch, phòng chống bệnh đái tháo đường, tai nạn thương tích được đưa vào thực hiện cùng với hơn 25 chương trình y tế đã và đang thực hiện, góp phần chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn quận ngày càng toàn diện hơn.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng được nâng lên đáng kể. Trong tình hình nguồn lực của nhà nước đầu tư cho y tế còn hạn hẹp, thì việc xã hội hoá y tế nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội là một biện pháp thích hợp. Có thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân thì nhân dân có cơ hội và điều kiện thuận lợi để tiếp cận với các dịch vụ y tế, sớm phát hiện bệnh tật, đáp ứng nhu cầu thuốc trong việc phòng và chữa bệnh. Quận 12 với tốc độ phát triển nhanh về nhiều mặt cũng không nằm ngoài sự phát triển chung đó. Trong thời gian gần đây, các loại hình này được chú trọng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần giảm bớt lượng bệnh quá tải tại các bệnh viện; đồng thời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn. Cụ thể, trên địa bàn quận, số cơ sở y tế tư nhân đến hết năm 2010 đã phát triển hơn gấp 4 lần; từ 46 nhà thuốc, 23 phòng mạch tư vào năm 1997, đến nay đã là 294 cơ sở bao gồm 10 phòng khám đa khoa tư nhân, 65 phòng khám chuyên khoa (phòng mạch), 38 phòng chẩn trị đông y, 165 nhà thuốc tư nhân, 8 đại lý thuốc, 7 dịch vụ y tế, 3 phòng khám từ thiện miễn phí, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Chất lượng khám chữa bệnh phục vu cho người dân cũng ngày càng được các cơ sở này đầu tư về hình thức và chất lượng.
Đầu tiên có thể kể đến Phòng khám Đa khoa Anh Dũng 1 (đường Nguyễn Ảnh Thủ - phường Hiệp Thành). Từ một phòng khám đa khoa ban đầu khánh thành vào năm 2005, đến nay, cơ sở này đã có 2 chi nhánh với đầy đủ các khoa phòng và một nhà bảo sanh. Tại đây, hàng ngày có khoảng 50 đến 80 người đến khám và chữa bệnh, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Nằm tại phường có số lượng công nhân nhập cư rất đông, phòng khám đa khoa Anh Dũng 1 thực sự đã chia sẻ bớt phần nào gánh nặng trong công tác khám chữa bệnh ban đầu cho trạm y tế phường, bệnh viện quận và thực sự cần thiết cho nhu cầu khám chữa bệnh ngoài giờ cho các công nhân trong các khu công nghiệp. Một phòng khám khác cũng đã hoạt động khá hiệu quả là Phòng khám Đa khoa Cộng Hòa 2 (đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất). Chỉ mới có mặt tại quận 12 hơn 2 năm nay nhưng hiện nay hàng ngày phòng khám tiếp gần 100 lượt người từ quận và khu vực lân cận. Với đội ngũ 30 bác sĩ chính thức và cộng tác, hơn 20 nhân viên, Phòng khám được trang bị các máy móc hiện đại như máy siêu âm màu 3D, 4D, trang bị máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động. Được biết, trung bình mỗi năm 2 lần, phòng khám tổ chức các hoạt động khám bệnh miễm phí tại phòng khám với các thăm dò cơ bản như đo điện tim, siêu âm tổng quát, đo loãng xương… thu hút hơn 100 lượt người đến khám và tư vấn. Đặc biệt, vào tháng 6/2010, phòng khám Đa khoa Cộng hòa 2 đã tổ chức sơ cấp cứu cho trên 20 người bị chấn thương và bỏng do nổ kho hóa chất của Công ty Tân Tân Thành (phường Tân Thới Nhất). Tháng 12/2010, Phòng khám đã hỗ trợ cho Bệnh viện quận, TT Y tế dự phòng quận tiếp nhận và xử trí cấp cứu hàng chục ca ngộ độc thực phẩm của công nhân thuộc các công ty đóng tại địa bàn quận.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế rằng, hiện tại về khối khám và điều trị, quận 12 chỉ có những cơ sở còn nhỏ lẻ, chỉ mới đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện những thủ thuật điều trị đơn giản, chưa thể thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị cao. Do đó, để công tác quản lý việc hành nghề y dược tư nhân nói chung cũng như hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân nói riêng trên địa bàn hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thì cần phải có sự phối hợp quản lý chặt chẽ ở tất cả các cấp quản lý từ Sở Y tế, phòng Y tế, các tổ y tế xã hội các phường và ý thức chấp hành những quy định pháp luật của các cơ sở trên địa bàn Quận.
Mô hình xã hội hóa Thể dục thể thao (TDTT) trong những năm qua cũng đã hỗ trợ tích cực cho phong trào TDTT quận. Trong đó nổi bật nhất là mô hình các môn như: Bóng đá, Cầu lông, Quần vợt, Võ, Bơi lội… Các cơ sở xã hội hóa này đã hỗ trợ cho ngành về cơ sở vật chất đăng cai, nguồn vận động viên tham gia thi đấu một số giải thành phố. Những mô hình xã hội hóa như vận động người dân hiến đất để xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao, vận động nhân dân đầu tư kinh phí xây dựng 58 sân bóng đá mini, 12 sân quần vợt, 6 sân cầu lông, 9 CLB Bóng bàn, 105 bàn bida để phục vụ tập luyện thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh, phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa là dựa vào sức dân để chăm lo lại cho dân.
Riêng các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo xã hội hóa hình thành và đi vào hoạt động đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác đào tạo, thi đấu, nâng cao số lượng người tập luyện thường xuyên trong quận. Trong đó nổi bật nhất là sân Bóng Đá Cây Sộp, Nhà thi đấu Cầu lông ở phường Thới An… Gặp gỡ ông Võ Văn Diệp - chủ sân banh Cây Sộp (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên - TM - DV - Giải trí thể thao Cây Sộp), ông tâm sự: “Sân bóng đá Cây Sộp được đầu tư vào năm 1999, có bao nhiêu vốn liếng gia đình tôi đều đầu tư hết vào sân bóng, đến nay công ty của tôi đã có 4 sân mini và 2 sân lớn, trang bị hiện đại và đủ tiêu chuẩn để đấu các giải cấp thành phố. Đặc biệt, trong các năm qua sân banh Cây Sộp đã phối hợp tổ chức các giải phong trào do Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội CCB, các trường học trên địa bàn quận đăng cai cũng như sẵn sàng phục vụ các giải phong trào bóng đá do thành phố và ngành TDTT quận tổ chức với mong muốn góp phần cho ngành thể thao quận nhà ngày càng vững mạnh”. Trong năm 2010, sân banh Cây Sộp đã phối hợp cùng Trung tâm TDTT quận tổ chức 3 giải đăng cai chỉ tiêu do Sở VHTT-DL giao cũng như phát động phong trào tập luyện thể dục thể thao trên địa bàn quận gồm: Giải bóng đá vô địch phong trào (từ 15/1-15/2/2010); giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng khối Trung học phổ thông (từ ngày 10-20/3/2010); giải bóng đá hạng A cúp AFC (từ 16/10/2010 -6/12/2010). Đội tuyển năng khiếu của sân banh Cây Sộp đã đạt giải nhì U15, giải nhì U10 cấp thành phố. Đội bóng đá Nông dân quận 12 đại diện thành phố Hồ Chí Minh tham gia giải bóng đá Nông dân toàn quốc. Hiện nay sân bóng đá Cây Sộp có đội tuyển năng khiếu (từ 6-13 tuổi) gần 100 em thường xuyên tập luyện, đây là những vận động viên triển vọng cung cấp nguồn vận động viên môn bóng đá cho quận 12 và thành phố. Đặc biệt, đầu năm 2011, Sân banh Cây Sộp đã liên kết cùng Trung tâm thể dục thể thao Công an thành phố tổ chức Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ cho quận và thành phố (đội tuyển bóng đá trẻ từ 16-19 tuổi) là nguồn đại diện cho quận 12 tham gia giải bóng đá tầm nhìn châu Á (AFC) trong thời gian tới với đội ngũ huấn luyện viên đã từng đá cho đội tuyển Quốc gia và Công an TP.HCM như: Bùi Sỹ Thành, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Văn Đông…
Trao đổi cùng ông Dương Minh Đà - Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao quận, ông cho biết, trong năm 2010, bên cạnh việc phát triển phong trào TDTT quần chúng thì ngành TDTT quận cũng còn tập trung xây dựng lực lượng đại biểu, lực lượng năng khiếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cũng như bảo đảm thực hiện chỉ tiêu sự nghiệp chuyên môn do Sở VHTT&DL thành phố, Quận ủy, UBND quận giao, đồng thời tập trung xây dựng phát triển các bộ môn mũi nhọn như: Bóng đá, Võ thuật, Điền kinh. Ngành TDTT quận đã xây dựng được đội ngũ năng khiếu ban đầu là 435 VĐV của 18 môn. Với những thành tích quận đạt được trong năm 2010, ngành TDTT đã cử nhiều cá nhân và đội đại biểu của mình tham dự các giải thành phố. Ngoài các giải theo kế hoạch chung, ngành TDTT quận còn tham dự các giải Đại hội TDTT thành phố lần VI và đạt 45 huy chương các loại (trong đó có 8 vàng, 11 bạc, 26 đồng). Thành tích cả năm 2010 được 320 huy chương các loại, trong đó có 71 huy chương vàng (năm 2009 đạt được 270 huy chương). Hầu hết đội ngũ vận động viên này đều đã qua tập luyện và được tuyển chọn từ các cơ sở TDTT tư nhân trên địa bàn quận.
 
 
Bài, ảnh: Hạnh Liên
 

Số lượt người xem: 4905    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày