Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
2
5
1
1
6
Tin tức sự kiện 13 Tháng Mười Hai 2011 9:45:00 SA

Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện đại hội XI của Đảng

 

*Chế độ, cơ chế, chính sách kinh tế
Chế độ kinh tế là khái niệm chỉ hệ thống các quan hệ kinh tế thể hiện tính chất đặc thù (hay bản chất) của một nền kinh tế, bao gồm: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức, quản lý quá trình sản xuất và quan hệ phân phối, tiêu dùng sản phẩm. Nói cách khác, chế độ kinh tế là khái niệm chỉ quan hệ sản xuất dựa trên một lực lượng sản xuất, một cơ sở vật chất, kỹ thuật nhất định. Các nước có điều kiện kinh tế khác nhau thì chế độ chính trị - xã hội (dựa trên nền tảng chế độ kinh tế, do chế độ kinh tế quyết định) cũng khác nhau. Với ý nghĩa đó, chế độ kinh tế phản ánh bản chất đặc thù của các quan hệ kinh tế, quan hệ sản xuất của một phương thức sản xuất nhất định.
Cơ chế kinh tế là khái niệm chỉ mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Các mối quan hệ, sự tác động qua lại đó tạo nên sự vận động, phát triển, sự vận hành của nền kinh tế. Cơ chế kinh tế thể hiện, phát huy tác dụng trong vận hành nền kinh tế, do đó cơ chế kinh tế còn được gọi là (hay đồng nhất với) cơ chế vận hành kinh tế. Cơ chế kinh tế là do những quan hệ kinh tế, những quy luật kinh tế khách quan chi phối, quyết định. Ở tầm vĩ mô, có cơ chế vận hành của nền kinh tế. Ở tầm vi mô, có cơ chế vận hành của các doanh nghiệp.
Cơ chế kinh tế có nhiều loại: cơ chế kế hoạch tập trung, cơ chế thị trường tự do, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Cơ chế kế hoạch tập trung có đặc trưng là vận hành của nền kinh tế theo một kế hoạch thống nhất từ một trung tâm, các bộ phận cấu thành của nền kinh tế không có quyền tự chủ, sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất thế nào, sản xuất cho ai là do cấp trên quyết định bằng mệnh lệnh hành chính. Các quan hệ trong nền kinh tế là quan hệ xin - cho, cấp phát - giao nộp hiện vật, xem nhẹ hạch toán kinh doanh, hiệu quả kinh tế.
Cơ chế thị trường có đặc trưng là các doanh nghiệp là các chủ thể kinh tế có quyền tự chủ, sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất cho ai là do doanh nghiệp tự quyết định theo các quan hệ cung - cầu, giá cả trên thị trường, để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho mình. Cơ chế thị trường có mặt tích cực như: điều kiện sản xuất và lưu thông tinh vi, nhanh nhạy; kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh…; nhưng cũng có mặt tiêu cực như: dẫn đến khủng hoảng kinh tế chu kỳ, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường..., nên đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhà nước, làm hình thành cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. 
- Cơ chế quản lý kinh tế là hệ thống các quy chế, biện pháp để tổ chức, định hướng, điều tiết hoạt động của nền kinh tế hoặc của một đơn vị kinh tế (một doanh nghiệp). Cơ chế quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô là do nhà nước tạo ra để quản lý, điều tiết nền kinh tế. Cơ chế quản ở tầm vi mô là do ban quản lý doanh nghiệp tạo ra để quản lý hoạt động doanh nghiệp. Một cơ chế quản lý đúng đắn, có hiệu quả phải phù hợp với những quy luật kinh tế khách quan của đối tượng quản lý trong từng giai đoạn phát triển nhất định.
- Chính sách kinh tế là những biện pháp do Chính phủ ban hành (sử dụng) để định hướng, điều tiết hoạt động của nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một chính sách kinh tế thường bao gồm hai thành tố cơ bản: định hướng, chủ trương (mục tiêu) và các biện pháp để thực hiện chủ trương đó. Có nhiều chính sách kinh tế như: chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách đất đai, chính sách xuất, nhập khẩu, chính sách tiền lương…trong mỗi chính sách đó lại bao gồm nhiều chính sách như: bộ phận chính sách tài chính bao gồm có chính sách thuế, chính sách giá, chính sách đầu tư…
Các chính sách kinh tế khi ban hành phải đáp ứng được các yêu cầu về tính công khai, chặt chẽ, ổn định, đồng bộ. Mọi đối tượng có liên quan được bình đẳng trong việc tiếp cận và thực hiện chính sách. Chính sách phải được ổn định trong một thời gian nhất định, không thay đổi quá nhanh gây khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều tiết của chính sách. Các chính sách có liên quan với nhau phải thống nhất, ban hành đồng bộ, không mâu thuẫn, không được thiếu đồng bộ, làm triệt tiêu lẫn nhau hoặc gây khó khăn khi thực hiện.

                                                                        Bài: BTG


Số lượt người xem: 3622    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày