Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
6
3
6
3
Tin tức sự kiện 08 Tháng Tám 2013 3:15:00 CH

"Cách cho" của người phụ nữ giàu lòng nhân ái.

      

Nằm trên con đường Nguyễn Ảnh Thủ luôn tấp nấp người qua lại, quán cơm từ thiện 2.000 đồng dành cho người nghèo tại số 47H, tổ 27, khu phố 3, phường Hiệp Thành luôn thu hút đông khách vào những buổi trưa các ngày thứ 2,4,6. Đúng như tên gọi của quán, từ những người lao động nghèo, những em nhỏ cơ nhỡ, những người bán vé số dạo cho đến những người bị ốm đau bệnh tật không có khả năng lao động chính là đối tượng phục vụ của quán cơm từ thiện này.

Quán đã đi vào hoạt động đến nay vừa tròn một năm, cứ đều đặn một tuần ba buổi với 250 suất/ ngày. Suất ăn rất tươm tất với cơm, canh, món mặn, món xào; cơm và canh có thể lấy thêm bao nhiêu tuỳ ý nhưng khách luôn được nhắc nhở lấy vừa ăn để tránh lãng phí. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đưa lên hàng đầu. Mỗi sáng, các cô bếp luôn tranh thủ đi chợ sớm, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon nhất, về quán cùng nhau chế biến để kịp phục vụ cho buổi trưa từ lúc 10 giờ. Mỗi phần cơm chỉ có giá 2.000 đồng, khách đến ăn cơm tự giác bỏ vào thùng để trước quán - không bỏ cũng chẳng sao, nhưng tất cả đều được đối đãi như thượng khách. Đó là chưa kể đến hơn 60 suất cơm dành cho những người già yếu, bệnh tật không thể ghé ăn tại quán thì luôn được để dành cho người nhà ra lấy mang về. Chi phí cho một bữa ăn khoảng 3 triệu nhưng tiền thu vào lúc nào cũng chỉ khoảng 400 ngàn.

Đây là một địa chỉ làm ấm lòng những người nghèo do bà Quách Thị Lý làm chủ với sự giúp sức của những người bạn. Không chỉ bỏ tiền để lo tất cả các chi phí cho quán hoạt động, bà Lý cũng là người trực tiếp tham gia phục vụ tại quán cơm. Toàn bộ 6 người phục vụ ở đây đều làm việc tình nguyện, không có lương hay nhận trợ cấp gì. Có một điều khiến tôi khâm phục bà Lý khi có dịp trò chuyện với bà đó chính là, không chỉ bỏ công, bỏ sức để làm từ thiện, bà còn dành cả tâm tư, tình cảm của mình cho những người nghèo là khách hàng của quán. Các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ vào ăn, nhận phiếu từ tay bà, bà dạy các em biết nói “cảm ơn”; những người lao động nặng như thợ hồ, xe ôm, bà xới cơm nhiều hơn một chút; những người đau yếu, bệnh tật bà lựa những thức ăn dễ nhai, dễ tiêu; những phần cơm mang về, bà cũng trang bị những cặp cà mên inox sạch sẽ cho họ mượn, thấy gia đình nào 2 ngày không có người tới lấy cơm, bà gọi điện hoặc đến nhà hỏi thăm… Rồi khi thấy trong thùng tiền có những tờ 10, 20, thậm chí 50 ngàn đồng, khách vào quán đi xe tay ga, ăn mặc đẹp; bà đều để ý, lựa lúc thích hợp đến cảm ơn họ rồi khéo léo “mời” họ đi ăn quán khác, vì đơn giản một điều là họ không phải là đối tượng phục vụ của quán. Có lẽ chính vì thế mà từ khi hoạt động quán cơm đến nay, bà ít thích tiếp xúc với báo chí, không nhận thêm tài trợ vật chất từ các mạnh thường quân khác. Lý do bà đồng ý gặp tôi chỉ là “để cô viết bài lên báo quận thì sẽ có thêm nhiều người nghèo trong phường, trong quận biết mà tìm đến quán tôi thôi.”

Chính vì cái tâm của bà dành hết cho những người nghèo nên những cô chú khác giúp việc cho quán đều chung một thái độ thân thiện, niềm nở và tôn trọng khách. Điều đó thể hiện rất rõ qua những điều tưởng chừng như đơn giản, vụn vặt như thực đơn mỗi bữa ăn được viết rõ ràng phía trên câu “Chúc quý khách ngon miệng”; bàn ghế trong quán luôn sạch sẽ; ly nhựa uống nước xong bỏ riêng vào thùng để các cô đi rửa chứ không dùng chung và quan trọng nhất là thái độ ân cần, tiếp đón khi những người nghèo bước vào quán. Các cô còn nói đùa, phục vụ ở quán này, vui nhất là khi bị “mất khách”. Thấy tôi ngạc nhiên, cô Nguyễn Thị Dung (tổ phó TDP27), một trong những người tham gia phục vụ tại quán cơm từ thiện từ những ngày đầu kể, có một vài vị khách đến ăn kèm lời chào từ biệt, lý do là cuộc sống của họ đã khá hơn, nay nhường lại suất cơm đó cho những người khác. Cô tâm sự: "Thực ra số tiền 2.000 đồng ở đây có giá trị tinh thần rất lớn, cơm từ thiện nhưng thu tiền là giúp cho người mua xóa mặc cảm được ban phát, bố thí. Còn đối với chúng tôi, là những người bán, dù chỉ thu 2.000 đồng/suất nhưng luôn ý thức được rằng mình đang phục vụ khách và phải phục vụ cho tốt, tận tụy ".

Quả đúng như mục tiêu ban đầu của bà Lý "của cho không bằng cách cho", bằng những việc làm có ý nghĩa và tế nhị, bà đã san sẻ được phần nào những khó khăn cho nhiều mảnh đời còn kém may mắn. Được biết, sắp tới đây, nhờ sự ủng hộ của gia đình và nhất là sự chung vai góp sức của chồng bà, quán ăn sẽ mở cửa 5 ngày trong tuần để phục vụ được nhiều người nghèo hơn.

                                                                                Hồng Liên


Số lượt người xem: 4410    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày