Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
2
1
4
0
2
7
Tin tức sự kiện 27 Tháng Ba 2013 10:30:00 SA

Tích cực tuyên truyền đến người dân về chất lượng và cách sử dụng mũ bảo hiểm

 

Đâu là mũ bảo hiểm thật và đâu là giả, xử phạt ra sao, cách giải quyết nút thắt này như thế nào đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Để hiểu hơn về vấn đề này, BBT Bản tin đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại úy Nguyễn Tuấn Kiệt - Đội trưởng Đội CSGT Quận 12:
PV: Xin ông cho biết tình hình sử dụng MBH giả?
Đại úy Nguyễn Tuấn Kiệt: Từ năm 2007, quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe máy chính thức có hiệu lực. Và sự chấp hành của người dân rất tốt. Đơn cử, năm 2008, TNGT đã giảm cao nhất đến thời điểm đấy là gần 5% số người chết. Đến nay, đã có trên 90% người dân đội MBH. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình trạng đội mũ bảo hiểm giả, mũ thời trang tràn lan. Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý chung không mua mũ bảo hiểm theo quy chuẩn của Việt Nam và Thế giới mà mua mũ bảo hiểm giá rẻ, để khi bị mất không tiếc tiền.
Riêng ở Quận 12 lâu nay, có khá nhiều chỗ sửa và bày bán MBH trên vỉa hè, đều bán MBH thời trang. MBH thời trang thực chất là loại mũ sản xuất bằng một loại nhựa mỏng, rất dễ bể. Loại mũ này thường được giới trẻ cả nam lẫn nữ ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, song hoàn toàn vô tác dụng, khi người sử dụng đội nhưng bị té ngã, đầu đập xuống đường đều bị chấn thương.
Thực tế lâu nay, vì nhiều lý do nên MBH dỏm vẫn công khai trôi nổi trên thị trường nhưng không bị ai “huýt còi”. Đây chính là những tồn tại khiến một số nơi sản xuất không ngần ngại tung những lô hàng MBH kém chất lượng ra thị trường mà không hề bị xử lý.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân khi điều khiển phương tiện hai bánh lưu thông trên đường. Khi người tiêu dùng nói không với MBH kém chất lượng; tẩy chay MBH dỏm thì mới đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là trẻ em.
PV: Việc xử phạt tiến hành thế nào và mức xử phạt cụ thể, thưa ông?
Đại úy Nguyễn Tuấn Kiệt: Theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi: người điều khiển, người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ những trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật).
Trong khi đó, Thông tư 06/2013 của Liên bộ khoa học- công nghệ, công thương, công an, giao thông vận tải về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy đã nêu: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với những người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện đội các loại MBH thời trang, MBH thể thao, MBH không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội MBH không đúng quy cách hoặc không đội MBH. Tuy nhiên do Thông tư này đưa ra quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu tính thuyết phục, nên các bộ đã thống nhất dừng việc ban hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật. Và cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, nút thắt giữa MBH thật và giả sẽ được xử lý bằng chương trình đổi mũ giả lấy mũ thật.
Thật ra, nếu yêu cầu xử phạt người đội MBH giả sẽ rất khó khăn cho lực lượng CSGT. Bởi chúng tôi không chỉ thiếu trang thiết bị để làm rõ mũ thật, giả, mũ đảm bảo chất lượng hay không, mà chế tài xử phạt cũng chưa có.
Theo Nghị định 34 và Nghị định 71 mới đây chỉ quy định hành vi không đội MBH và đội MBH không đúng cách, chứ không có chế tài cụ thể xử phạt MBH kém chất lượng.
Trong năm 2012, lực lượng CSGT CAQ12 đã xử lý 5.474 trường hợp không đội MBH, toàn quận xảy ra 78 vụ tai nạn có liên quan đến MBH. Từ đầu năm 2013 đến nay đã xử lý được 564 trường hợp. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn quận xảy ra 11 vụ tai nạn có liên quan đến MBH.
  PV: Xin ông cho biết thêm, mũ giả, mũ đạt chất lượng căn cứ thế nào và cách đội như thế nào là đúng?
Đại úy Nguyễn Tuấn Kiệt: MBH đạt chất lượng phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì sẽ không được coi là MBH.
Người đội MBH phải kéo quai mũ sang hai bên rồi đội mũ, đóng khóa; không để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm. Sau khi đội, cần kiểm tra lại bằng cách dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không bật ra khỏi đầu.
PV: Thời gian tới, Công an Quận 12 sẽ làm gì để nâng cao ý thức cho người dân trong việc đội MBH?
Đại úy Nguyễn Tuấn Kiệt: Chúng tôi sẽ phối hợp với Bản tin Quận 12 cũng như cử cán bộ tiến hành tuyên truyền cho người dân về chất lượng mũ bảo hiểm, cách sử dụng ra sao.
Cho đến khi có chỉ đạo của Bộ Công an và Công an thành phố thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm trakết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng.
PV: Xin cám ơn ông.                        
Tin, ảnh: BBT

Số lượt người xem: 4431    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày