Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
1
7
2
8
Văn hóa xã hội 26 Tháng Bảy 2016 10:20:00 SA

Người thương binh nặng lòng với nạn nhân chất độc da cam

Những vết chai sạn hằn trên đôi tay, đôi chân của người thương binh, như đã chứng minh cho sự lao động không ngừng nghỉ. Trưởng thành từ trong chiến tranh, lớn lên từ gian khó, nên ông bảo có được độc lập, tự do là quý giá nhất, dù có nhiều công lao, nhưng ông không bao giờ đòi hỏi chế độ gì cho mình, mà còn nhường cho người khó khăn hơn. Với 60 tuổi đời, tỷ lệ thương binh 35%, tỷ lệ nhiễm chất độc da cam là 61%, thương binh 4/4 Phạm Anh Đức - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Thới Hiệp vẫn miệt mài hoạt động mong góp sức mình đem lại hạnh phúc cho những nạn nhân mang trong mình chất độc màu da cam.

 


Ông Phạm Anh Đức (trái)

Chú kể, mình sinh ở vùng đất mỏ Quảng Ninh (sinh năm 1956), khi đủ tuổi ra trận, chú xung phong lên đường nhập ngũ, năm 1974, chú tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại mặt trận miền Đông Nam Bộ, đơn vị thuộc Quân đoàn 4, Sư 7, E210, C3. Ngày 30/4/1975 lịch sử, chú tham gia đánh trận Long Khánh, tiến về Sài Gòn đúng 13 giờ ngày 30/4, đóng quân tại Cảng BaSon, Thị Nghè. Chiến tranh kết thúc, chú tiếp tục xung phong tham gia vào lực lượng quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia, tại trận Biên Giới, chú đã bị thương, sau đó được điều về Viện 175 để điều trị hơn 1 năm. Tận mắt chứng kiến những thân hình dị dạng, những mảnh đời bán thân bất toại nằm liệt một chỗ, những khuôn mặt ngây dại và những ánh mắt vô cảm vô hồn, khi trong mình chất độc da cam cũng đang hoành hoành cùng với cánh tay phải đã bị thương trong một trận đánh, hiện đã không xoay trở được, thương binh Phạm Anh Đức đã gác lại nỗi đau của bản thân, hàng ngày tận tụy quan tâm, sẻ chia với những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn phường. Ông vận động các cấp, ngành và các nhà hảo tâm chung tay góp sức giúp đỡ các nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau để họ vươn lên trong cuộc sống. Ông không quản ngại khó khăn đến từng nhà nạn nhân tìm hiểu hoàn cảnh, tình trạng bệnh tật để có sự vận động hỗ trợ kịp thời. Ông thường xuyên có mặt thăm hỏi hội viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên để tìm cách giúp đỡ.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Thới Hiệp có 11 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trong đó có 9 người là bệnh nhân chất độc da cam đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trăn trở với nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam, với cương vị là một Chủ tịch hội, ông đã trực tiếp liên hệ các cơ quan, tổ chức đề nghị hỗ trợ cho các nạn nhân bằng vật chất và tiền mặt. Trong năm 2015, ông Đức vận động các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, trường học và cá nhân ủng hộ để chăm lo cho 12 lượt hội viên, thăm hỏi các hội viên khi ốm đau. Thương binh Phạm Anh Đức chia sẻ: "Với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, dường như cái nghèo luôn đeo bám bởi họ không đủ sức khỏe để lao động, lại thường xuyên đau ốm; chi phí thuốc men trở thành gánh nặng cho mỗi gia đình; sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cá nhân, tổ chức là rất quan trọng nhưng còn quá nhỏ so với nhu cầu cuộc sống hàng ngày và tình trạng bệnh tật của họ"- chính từ trăn trở đó mà nhiều năm qua, ông đã nỗ lực rất nhiều để giúp đỡ các hội viên của mình.

Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn với thu nhập chính là từ phần trợ cấp thương binh của ông cũng với chiếc xe bán bánh mì đầu hẻm của vợ, trong khi còn phải chăm sóc mẹ già nay ốm mai đau, thế nhưng ông vẫn dùng hết sức của mình cho công tác xã hội, Không chỉ nỗ lực để ổn định kinh tế, nuôi dạy con cái ăn học nên người, ông cũng là tấm gương sáng, mẫu mực để con cháu noi theo. Do đó, ngay từ lúc con còn nhỏ, ông đã dạy các con phải sống có nền nếp, học tập có kỷ luật, biết quý trọng ông bà, cha mẹ… “Không chỉ riêng tôi, mà tôi còn thường xuyên giáo dục con cháu mình phải noi theo tấm gương đạo đức của Bác để sống tốt, tôi thường xuyên kể những mẩu chuyện về Bác để các cháu thấy được gương sáng của Người mà học tập”, ông Đức cho biết thêm: “Cả cuộc đời của tôi, ngoài những tháng năm đổ xương máu trong chiến trường thì sau thời bình mình đã góp được một phần rất nhỏ bé sức lực, tình cảm làm xoa dịu, vơi bớt đi phần nào nỗi đau da cam dai dẳng cho gia đình các đồng đội, đồng chí của mình. Đó thực sự là một niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi...”.   

          Anh Thư (BT)


Số lượt người xem: 1664    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày