Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
5
3
0
2
Tuyên truyền Đề án 06 01 Tháng Sáu 2022 1:55:00 CH

Tài liệu tuyên truyền về Đề án 06 của Chính phủ (Phần 2)

Câu 11: Các ứng dụng độc hại vô tình được cài trên điện thoại của tôi, thì dữ liệu cá nhân của tôi được hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có thể bị truy cập bất hợp pháp không?

Trả lời: Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNEID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.

Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.

Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao thì công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.

Câu 12: Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của tôi có được đảm bảo an toàn không?

Trả lời: Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Câu 13: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?

Trả lời: Có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia. Nổi bật trong đó là:

- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

- Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

- Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Câu 14: Khi tôi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, tôi phải làm gì?

Trả lời: Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.

Câu 15: Tôi quên mật khẩu đăng nhập, tôi phải làm gì để có thể đặt lại được mật khẩu?

Trả lời: Trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia hỗ trợ công dân chức năng để thiết lập lại mật khẩu theo nhiều hình thức như qua SMS OTP, E-mail, Câu hỏi bảo mật.

Câu 16: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử tôi thì tôi cần chú ý điều gì?

Trả lời: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình công dân cần chú ý:

- Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.

- Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.

- Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức – thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.

Câu 17: Hạn sử dụng của tài khoản đinh danh điện tử là bao nhiêu?

Trả lời: Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ CCCD gắn chip.

Câu 18: Các loại giấy tờ mà tôi cung cấp có cần lưu 1 bản tại cơ quan công an không? Nếu có thì bản đó có cần công chứng không?

Trả lời: Không. Từ hệ thống sẽ in phiếu đăng ký trong đó bao gồm các thông tin tích hợp để công dân ký chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin.

Câu 19: Lệ phí đăng ký định danh điện tử là bao nhiêu?

Trả lời: Miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử.

Câu 20: Một số điện thoại có thể sử dụng đăng ký định danh điện tử cho nhiều người được không?

Trả lời: Không. Một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số CCCD để xác thực OTP.

Câu 21: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại không?

Trả lời: Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia sẽ thông báo yêu cầu công dân cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Câu 22: Tôi nhận được cuộc gọi “lạ” tự xưng cán bộ Công an yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,… để cấp tài khoản định danh điện tử. Tôi có nên thực hiện theo những yêu cầu trên không?

Trả lời: Không. Hiện nay, người dân có thể đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử qua Ứng dụng VNEID hoặc ra trực tiếp cơ quan Công an để thực hiện. Cán bộ Công an sẽ không gọi điện yêu cầu công dân cung cấp thêm thông tin cá nhân hay bất kỳ loại giấy tờ nào khác.

Hiện nay, Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng những thông tin bị lộ, lọt trên mạng Internet của công dân để giả mạo Cơ quan chức năng gọi điện cho người dân yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực gửi về điện thoại,… Sau đó, những đối tượng này dung thông tin trên đăng nhập các ứng dụng Ngân hàng online, Momo, Zalopay… của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an đề nghị người dân chú ý bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an. Nếu nhận được những cuộc gọi như trên, đề nghị người dân gọi đến số Hotline 1900.0368 hoặc thông báo đến cơ quan công an gần nhất để có biện pháp kịp thời xử lý.

4. Tuyên truyền về thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng, không mất thời gian chờ đợi, tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại; tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính.

4.1. 25 dịch vụ công thiết yếu của Phụ lục 1 Đề án 06 coi đây là bước đột phá trong thực hiện Đề án 06, bao gồm:

(1) Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân;

(2) Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân;

(3) Đăng ký thường trú;

(4) Đăng ký tạm trú;

(5) Khai báo tạm vắng;

(6) Thông báo lưu trú;

(7) Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy;

(8) Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội);

(9) Đăng ký khai sinh;

(10) Đăng ký khai tử;

(11) Đăng ký kết hôn;

(12) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông;

(13) Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu;

(14) Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu;

(15) Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi;

(16) Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí;

(17) Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;

(18) Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân;

(19) Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ);

(20) Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;

(21) Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng;

(22) Cấp phiếu lý lịch tư pháp;

(23) Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp;

(24) Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp  (220/380V) (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện);

(25) Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (Thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện).

4.2. Điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến

- Công dân phải được cấp số định danh cá nhân;

- Có thuê bao điện thoại di động chính chủ;

- Tài khoản ngân hàng (không bắt buộc);

- Sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Đối với công dân dưới 14 tuổi thì cấp định danh điện tử theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

* Trước mắt trong năm 2022, CATP tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu nêu trên, hiện Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch tiếp tục cấp CCCD gắn chip điện tử cho toàn bộ công dân trên địa bàn, kết hợp tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân để thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, đề nghị người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia làm CCCD gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử (trên ứng dụng VNEID) để giao dịch nhằm mang lại lợi ích cho công dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số. 

Công an thành phố đề nghị công dân khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an để được cấp tài khoản định danh điện tử. Từ ngày 16/3/2022 Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã tổ chức cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân, kết hợp với cấp CCCD tại trụ sở Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức; sắp tới để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Công an thành phố sẽ triển khai cấp định danh điện tử cho công dân tại Công an phường, xã, thị trấn theo chỉ đạo của Bộ Công an.

 5. Tuyên truyền về thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng việc sử dụng CCCD gắn chip

Ngày 28/2/2022, Bộ Y Tế có Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, theo đó thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về CCCD.

Theo đó, Bộ Y Tế hướng dẫn triển khai tiếp đón, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Cơ sở khám chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

(2) Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:

- Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID;

- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

6. Tuyên truyền về tinh thần tận tụy, sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện Dự án CSDLQG về DC; Dự án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD và Đề án 06

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh COVID-19, qua đó thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Công an, thật sự tạo dấu ấn cho người dân, xã hội. Nhìn lại dấu mốc này, trong gần 2 năm qua, có thể nói lực lượng CAND đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp CCCD. Đây là những công việc chưa có tiền lệ, với khối lượng công việc rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại; nhưng với sự quyết tâm của toàn lực lượng 02 dự án đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội.

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ chiến dịch này, từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng tình ủng hộ của người dân... Nhưng điều đáng nhớ nhất, đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, cống hiến của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Công an trên khắp mọi miền của cả nước không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư, cấp CCCD…Tất cả đều cùng nhau thống nhất nhận thức, hành động, coi đây là “trách nhiệm và danh dự” của lực lượng CAND, để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Bộ Công an cũng đã nhận được sự chung tay góp sức của người dân và các doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng để Bộ Công an hoàn thành xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Có thể nói, người dân trên khắp cả nước đã rất nhiệt tình tham gia cung cấp thông tin, tham gia làm CCCD không quản ngày đêm, ủng hộ giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như: VNPT, Tecapro, Gtel ICT... đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng bảo đảm theo đúng các tiêu chí nêu trên, sẵn sàng cao nhất phục vụ người dân và xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc CATP đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể CBCS nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu và cấp CCCD gắn chip trên địa bàn thành phố, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì nhân dân phục vụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an các cấp với phương châm nhanh nhất, mạnh mẽ, hiệu quả và quyết liệt nhất. Quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

CÔNG AN TP.HỒ CHÍ MINH


Số lượt người xem: 420    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày