Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
8
2
8
2
Quy hoạch khai thác tài nguyên, thiên nhiên 03 Tháng Năm 2013 9:50:00 SA

Bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm của mọi người

Nhân tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường (29/4-6/5/2013), chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tầm quan trọng của nước và giải pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất quý giá.
Nước là một vật chất rất quan trọng cho sự sống, được con người sử dụng vào các mục đích sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, giải trí… Cơ thể con người cần rất nhiều nước để có thể tồn tại. Nước chiếm tới 2/3 trọng lượng cơ thể. Trong điều kiện trời mát mẻ, không mất mồ hôi con người có thể nhịn khát tối đa là 1 tuần, còn trong điều kiện đổ mồ hôi nhiều thì không thể nhịn khát quá 2 ngày. Trong ngành nông nghiệp, nước chiếm tới 80% nhu cầu. Đặc biệt là với những quốc gia trồng lúa nước như Việt Nam thì nước càng quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đặt nước là yếu tố quan trọng hàng đầu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong hoạt động công nghiệp cũng cần rất nhiều nước. Cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển của xã hội thì nhu cầu về nước không ngừng gia tăng.
Do có khoảng 2/3 bề mặt trái đất là nước nên một số người nhầm tưởng nước ngọt là tài nguyên vô tận mà quên rằng có đến 97% nước trên thế giới là nước muối, chỉ có 3% là nước ngọt nhưng gần hơn 2/3 lượng nước này tồn tại ở dạng sông băng và các mũ băng ở các cực. Phần còn lại là dạng nước ngầm và chỉ một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và trong không khí. Có nghĩa là nước ngọt mà chúng ta sử dụng hàng ngày chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không hề vô tận như một số người vẫn thường nghĩ.
Thiếu nước đang là một vấn đề lớn cho thế giới hiện nay. Ở một số nơi trên thế giới đã xuất hiện xung đột vũ trang vì tranh chấp nguồn nước. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách hơn khi con người lại làm ô nhiễm các nguồn nước sẵn có bằng các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Ở Quận 12, hiện nay chỉ có 28,3 % dân số được cấp nước sạch từ hệ thống nước máy. Còn lại người dân phải tự khai thác các nguồn nước để sử dụng, trong đó chủ yếu là khai thác nước dưới đất từ các giếng khoan. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất đều sử dụng nước từ các giếng khoan để phục vụ cho sản xuất. Ước tính hiện nay trên địa bàn quận có khoảng 45.000 đến 50.000 giếng khoan.
Theo quy định hiện nay, các hộ dân không phải xin giấy phép khai thác nước dưới đất và không phải đóng thuế khai thác tài nguyên nước nên còn nhiều người chưa có ý thức tiết kiệm, sử dụng nước rất lãng phí. Bên cạnh đó, việc khoan, khai thác nước dưới đất không đúng quy định đang làm cho nguồn nước dưới đất bị suy thoái nghiêm trọng.
Với thực trạng của hệ thống nước máy hiện nay, trong vài năm tới vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân Quận 12 phải sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt hàng ngày. Do đó, mỗi người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước dưới đất bằng một số biện pháp sau:
1. Không chôn lấp chất thải vào các lỗ khoan, giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình thu nước dưới đất khác.
2. Không thải nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tràn lan trên mặt đất, xuống giếng thấm, ao thấm, hồ thấm, mương thấm và không đúng nơi quy định.
3. Không đưa nước thải, chôn lấp các chất độc, chất phóng xạ, xác động vật dịch bệnh và chất thải nguy hại khác vào trong các tầng chứa nước hoặc vào trong lòng đất không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
4. Nếu giếng bị hư, không còn sử dụng phải trám, lấp giếng theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 4 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Phòng Tài nguyên và Môi trường

 


Số lượt người xem: 6880    
Xem theo ngày Xem theo ngày