Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
8
5
0
7
7
Văn hóa xã hội 22 Tháng Mười Hai 2011 1:35:00 CH

Ngày toàn quốc kháng chiến19 tháng 12 năm 1946

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân cần hòa bình để xây dựng nước nhà và củng cố lực lượng về mọi mặt, cho nên ta đã nhân nhượng với thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Nhưng thực dân Pháp vẫn cố tình cướp nước ta một lần nữa.
Ngay từ tháng 10 năm 1946, Quốc Hội nước ta họp phiên thứ hai thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định ý chí của toàn dân ta đoàn kết xung quanh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh giành cho được một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và dân chủ.
Bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11 năm 1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà … đánh chiếm Hải Phòng (27/11/1946), Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội.
Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tiếp gây xung đột với công an và tự vệ của ta. Ngày 17/12 chúng cho quân bắn đại bác và súng cối vào khu phố Hàng Bún, chiếm trụ sở Bộ Tài chính và một số cơ quan khác của ta. Ngày 18/12/1946, chúng hỗn xược gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.
Như vậy, trước những vi phạm các hiệp định trắng trợn của thực dân Pháp, đến ngày 18/12/1946, cuộc kháng chiến từ cục bộ bắt đầu từ Nam bộ ngày 23/9/1945 đã lan ra khắp nước. Nhân dân ta chỉ có một con đường là cầm vũ khí kháng chiến để bảo vệ độc lập, tự do.
Ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở làng Vạn Phúc – Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
9 giờ tối ngày 19/12/1946 bản Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam: “Bọn thực dân pháp đã bội ước. Chúng liên tiếp tấn công Thủ đô Hà Nội. Quân đội, dân quân du kích toàn quốc hãy nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước”.
Trước đó, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hạ mệnh lệnh cho lực lượng vũ trang: “Giờ chiến đấu đã đến!”. Tổng chỉ huy quân đội ta chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt vào 20 giờ ngày 19/12/1946.
Để vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân pháp, nêu lên ý chí sắt đá, quyết kháng chiến đến cùng của dân tộc ta, đồng thời chỉ ra những nét cơ bản về đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện và khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và tới Đài phát thanh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được phát đi ngày 20/12/1946.
Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Bác, cả dân tộc ta siết chặt đội ngũ, mài sắc ý chí chiến đấu, đứng lên chiến đấu với tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ quốc độc lập, tự do, vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Ngay trong đêm 19/12/1946 quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước chống thực dân Pháp xâm lược.
Tiếng súng của Hà Nội trong đêm 19/12/1946 đồng thời là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc.
Ngày 21/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có lời gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước đồng minh.
Sau những lời thiết tha gửi dân chúng Pháp, binh lính Pháp và dân chúng các nước Đồng Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước:
“Hỡi đồng bào!
Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hy sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và thống nhất. Chúng ta 20 triệu chống lại 10 vạn thực dân. Cuộc thắng lợi của chúng ta rất được bảo đảm
… Đồng bào Việt Nam!
Tổ quốc lâm nguy, chúng ta phải đứng dậy.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm
Kháng chiến thành công muôn năm!”
Dân ta phải giữ nước ta,
Dân là con nước, nước là mẹ chung.
Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn thể dân tộc ra đã nhất tề đứng lên dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, lâu dài, anh dũng với niềm tin tưởng nhất định thắng lợi vẻ vang.
Phát huy tinh thần “Ngày toàn quốc kháng chiến”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 12 ra sức học tập và lao động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX và Đại hội Đảng bộ quận lần IV nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Bài: BTG

Số lượt người xem: 6372    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày