Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
3
3
8
6
3
Tin tức sự kiện 09 Tháng Mười 2013 2:05:00 CH

Cô giáo mầm non với niềm đam mê học tập

 
Chị Lưu luôn quan tâm, động viên các em nhỏ chăm lo học tập
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Trung nghèo khó, cái nghèo cứ đeo bám gia đình khiến cô gái trẻ Hoàng Thị Lưu lúc bấy giờ vừa tròn 20 tuổi quyết tâm vào thành phố với ước mơ vừa đi làm vừa đi học. Để tự nuôi thân, chị Lưu đã không nề hà bất cứ một công việc nào dù nặng nhọc, vất vả, miễn là nó giúp chị kiếm được những đồng tiền lương thiện từ chính sức lao động của mình. Không có kiến thức làm hành trang, chị không tìm được những công việc vừa ý, bất đắc dĩ ban ngày chị đi làm phụ hồ, ban đêm chị đi học bổ túc, nhưng do cả ngày đi làm mệt, cứ cầm sách vở là mắt cứ nhíu lại, chân tay mệt mỏi nên chị đành bỏ dỡ việc học hành. Cho đến khi chị lập gia đình và định cư tại khu phố 6, phường Tân Thới Nhất, những ý nghĩ tiếp tục đi học vẫn cứ thôi thúc chị tìm đến với kho tàng kiến thức vô hạn, nhất là khi chị nhìn thấy địa phương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, muốn làm việc gì cũng cần phải có học thức, có bằng cấp. Khi được các cô chú trong Hội khuyến học phường động viên và giới thiệu chị học lại lớp 10 tại lớp phổ cập ban đêm của Trung tâm học tập cộng đồng phường, tuy đã 28 tuổi, là học sinh lớn nhất trong lớp, chị vẫn háo hức tham gia với nhiều mơ ước về cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi mình được trang bị nhiều kiến thức.

Tuy nhiên, hạnh phúc không dễ dàng tìm đến với chị khi người chồng vốn là trụ cột gia đình bỗng nhiên bị bệnh phải nằm một chỗ, gánh nặng gia đình đè hết lên vai chị. Va chạm với cuộc sống khiến chị Lưu càng thấy thấm thía hơn giá trị của việc học. Khi đi kiếm việc làm, đối diện với công việc, chị thấy mình thật thiệt thòi chỉ vì thua người ta một tấm bằng. Những công việc vừa sức mang lại thu nhập khá thì luôn đòi hỏi chị phải có trình độ ít nhất là tốt nghiệp trung học, do đó, việc học không chỉ là ước mơ, nguyện vọng mà còn là sự đầu tư cho tương lai của chị. Quá trình đi học của chị Lưu là cả một quá trình chống chọi với bao thử thách, gian nan. Chị nhớ lại: “Một mặt tôi phải chăm sóc cho chồng và hai con còn nhỏ, một mặt phải đi làm đủ thứ việc để nuôi sống gia đình. ban ngày, tôi nhận làm nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập, tối đến 3 mẹ con cùng nhau tới lớp. Để 2 con tự chơi ngoài hàng lang lớp học, mẹ quay vào lớp mở cuốn tập ra, mắt nhìn về bảng mà đầu óc quay cuồng cứ lo ngày mai tiền đâu mà thuốc thang cho chồng, con chưa biết ăn cái gì trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ và lại bừng lên quyết tâm phải đi học, chỉ có học mới giúp mình thoát khỏi cái nghèo cứ mãi đeo bám.” Nhiều hôm lo cho gia đình, chồng con xong, ngồi vào bàn học lúc mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, chị cặm cụi, lần mò với các bài tập, tìm hiểu, học hỏi thêm ở sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng… khi cuốn tập vừa xếp lại thì trời cũng vừa sáng. Không thiếu những hôm chị mệt quá, thiếp đi trên bàn học mà không biết, đến khi giật mình tỉnh giấc thì thấy cuốn tập đã ướt nhòe nước mắt do những cơn mơ chập chờn. Nhưng rồi những khó khăn cũng dần bị chị khuất phục chỉ với một vũ khí duy nhất mà chị có chính là lòng quyết tâm. Chị còn luôn tự nhận là mình may mắn khi trong suốt thời gian theo học tại lớp phổ cập tại Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thới Nhất, chị luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên của các thầy cô, bè bạn và các cô chú trong hội khuyến học phường. Chị thấy mình tự tin hơn khi đăng ký học lớp vi tính cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập cũng như hòa nhập vào cuộc sống đầy năng động, nhờ đó, ngoài việc đi học và đi làm, chị cởi mở, nhiệt tình tham gia vào các lễ hội, các buổi sinh hoạt thơ ca do Trung tâm tổ chức.

Thời gian khó khăn nhất của chị cũng dần trôi qua, càng gắn bó với việc học, chị như càng tìm thấy thêm nhiều niềm vui với cuộc sống. Hai con của chị noi gương mẹ cũng tự giác học tập tốt, chồng chị phụ giúp vợ trong những công việc gia đình hàng ngày. Những vất vả mà chị trãi qua nay đã đơm hoa kết trái, chị tốt nghiệp lớp 12 hệ bổ túc, trúng tuyển vào hệ tại chức trường Đại học Sài Gòn hệ Cao đẳng Mầm non. Vừa học vừa công tác tại trường mầm non Ánh Hồng, chị áp dụng những kiến thức đã học để ngày càng nâng cao tay nghề cũng như đưa những kinh nghiệm thực tế vào những bài học. Tốt nghiệp Cao đẳng năm 2012, chị tiếp tục theo học lớp cấp dưỡng vào buổi tối tại trường Trung cấp nghề quận 12 và sắp tới, nguyện vọng của chị là được theo học khóa quản lý giáo dục.

Nhận xét về chị Lưu, cô Võ Thị Phương Minh - Hiệu trưởng trường Mầm non Ánh Hồng cho biết: “Ngoài việc hết lòng, hết sức để làm tốt công việc được giao, cô Lưu còn không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn; tích cực học hỏi, tìm hiểu thêm những kiến thức ngoài xã hội nên những bài giảng của cô luôn rất sinh động, giúp cho các cháu nhỏ thích thú khi được đến trường. Cô Lưu luôn là một tấm gương về việc vượt khó học tập cho tất cả các giáo viên tại trường noi theo.”

Hơn 18 năm qua, kể từ ngày xa quê vào thành phố, khó có ai nghĩ rằng cô gái trẻ năm nào có thể trở thành cô giáo Lưu được mọi người yêu mến, tôn trọng như hôm nay. Để có được những kết quả đó, cô Lưu đã phải trãi qua không biết bao nhiêu là khó khăn, vất vả nhưng trên hết là một quyết tâm sắt đá, kiên trì theo đuổi việc học. Cô Lưu tâm sự: “Tôi mong Trung tâm học tập cộng đồng của phường Tân Thới Nhất nói riêng và các phường khác nói chung ngày càng phát triển, có cơ sở khang trang để xây dựng nền tảng vững vàng cho cộng đồng, tạo ra động lực, vận động nâng cao ý thức học tập cho mọi đối tượng trong cộng đồng, vì tôi biết còn rất nhiều người có nhu cầu được học tập để trang bị kiến thức cho bản thân như tôi.”

Thế mới thấy, việc học không bao giờ là quá muộn và không của riêng ai.                        

Bài, ảnh: MINH DŨNG(bt)


Số lượt người xem: 3400    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày