Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
9
4
1
2
Tin tức sự kiện 21 Tháng Sáu 2012 2:35:00 CH

Ngày nhà báo, đôi điều suy nghĩ

 

Có một điều rất đáng mừng là báo chí Việt Nam những năm gần đây đã và đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời có một tầm ảnh hưởng sâu rộng về mọi mặt trong đời sống chính trị - xã hội nước nhà. Ngòi bút trong tay các nhà báo, cũng vì thế mà trở thành một thứ vũ khí lợi hại, có thể chắp cánh thăng hoa cho một vấn đề hoặc sự kiện nào đó, và ngược lại, có khi có lúc lại gây những “sát thương” ngoài ý muốn. Những nhà báo chân chính luôn là những người cực kỳ thận trọng đối với từng con chữ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số không ít phóng viên và cộng tác viên báo chí, còn tự dễ dãi với ngòi bút của mình, thậm chí chạy theo thị hiếu tầm thường, chuộng sự giật gân, đã gây ra lắm điều đáng trách.
Đưa tin dễ dãi và… thiếu kiểm chứng:
Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây không lâu, một số báo đưa tin (thực ra, đây chỉ là bài dịch lại theo báo nước ngoài, chưa được kiểm chứng), rằng ăn bưởi có thể mắc ung thư. Tin này tuy không gây chấn động nhưng sức lan truyền của nó đã vô tình gây thiệt hại tiền tỉ cho những nông dân trồng bưởi, do bị người tiêu dùng “xa lánh”. Hoặc mới đây nhất là chuyện một số người chăn nuôi heo sử dụng hoá chất kích, tạo nạc khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang lo sợ. Để rồi sau đó báo đài phải rầm rộ cải chính, giải thích vân vân. Mọi người tạm yên tâm, nhưng không nghe nói những người thực hiện cái “phóng sự” mang tính “giật gân” ấy có bị chế tài hay kỷ luật gì chăng.
Viết nhanh, và… thiếu chính xác:
Tin đưa: “Ngày ấy tháng ấy, tại ngã tư X đã xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng. Tên Nguyễn Văn A. điều khiển xe mô tô biển số… đã tông phải một người đi bộ băng ngang đường khiến người này bị tử vong tại chỗ. CSGT đã tạm giữ tên A. để điều tra vụ việc”. Có thể nhiều người chỉ lướt qua khi đọc tin này, nhưng với người nhà của “tên A.” lắm khi lại khác. TNGT xảy ra, phần lỗi chưa được xác định do người lái xe hay do bất cẩn của người đi bộ, vậy mà khi đưa tin “phóng viên” đã “hùng hồn” gọi xách mé “tên A.”, cứ như anh A. này đã bị tòa án tuyên là “có tội”. Đưa tin, chưa chi đã áp đặt ý kiến chủ quan của mình, vậy nếu anh A. không có lỗi trong vụ TNGT này, đâm đơn kiện người viết tin đòi bồi thường danh dự, thì… “khó à nghen”! Cũng có lắm tin đưa, do “tế nhị” nên tác giả viết tắt tên một số người có liên quan. Nhưng lại không nhất quán, phần trên vừa viết họ tên tắt thoắt cái đã… “gọi” luôn họ tên thiệt của người ta ở phần kế tiếp, thiệt là… kỳ!
Sính nói chữ:
Ngay trong đội ngũ phóng viên của các báo đài, hiện nay cũng có không ít người sính dùng từ Hán Việt. Từ Hán Việt (và cả một số từ gốc Anh, Pháp…) như chúng ta đều biết, có rất nhiều từ trải qua nhiều thời kỳ đã được “Việt hóa” hoàn toàn, nên khi sử dụng, câu văn trở nên sáng đẹp hơn, đặc biệt là khi đọc, ai cũng hiểu, cũng “cảm” được, thì không nói làm gì. Tuy nhiên, có một số từ ngữ hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt, mà dùng tiếng Việt có khi còn “đắt” hơn, thế mà không hiểu sao những “cây bút” này vẫn “khoái” thay bằng từ Hán Việt. Ví dụ: “Tai nạn X., 20 người thương vong”, vì sao không viết một cách chính xác: “Tai nạn X., 3 người chết, 17 bị thương”, phải chăng là gộp hết vào “thương vong” để vừa được “nói chữ”, vừa làm cho tít bài báo “sốc” hơn? Hoặc: “Đụng xe liên hoàn…”, sao không viết “Đụng xe dây chuyền…”, vừa chính xác lại dễ hiểu?
Lại có “dịch” ưa khoác lên bất cứ điều gì vào bài viết bằng từ ngữ thật “kêu”như “siêu”: siêu mỏng, siêu méo, siêu sang, siêu sao, siêu mẫu, siêu đại gia, siêu giàu, siêu xe, siêu máy tính…, “tặc” được gán cho bất cứ hành vi vi phạm nào: lâm tặc, cát tặc, vàng tặc, đinh tặc, tôm tặc, nghêu tặc, sưa tặc…, còn “khủng” thì không thiếu những xe khủng, nhà vườn khủng, thu nhập khủng, ngực khủng, vòng ba khủng… vân vân, thật khó mà liệt kê cho xiết. Điều đáng nói là những cách viết, cách nói trên được không ít “cây bút” sử dụng vô tội vạ khiến nhiều người đọc lắm phen phải… “siêu khủng… hoảng”!
Thiết nghĩ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trước tiên phải là trách nhiệm của những người cầm bút.
Bài, ảnh: TRƯƠNG NGỌC

 


Số lượt người xem: 4116    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày