Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
2
8
4
5
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 1:55:00 CH

Gò Môn-nơi khơi dậy niềm tự hào và truyền thống anh dũng

Trong suốt thời gian chiếm đóng tại Việt Nam, Mỹ đã lần lượt thực hiện các chiến lược: Chiến tranh đơn phương (1954 – 1960), Chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965), Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973). Sau Hiệp định Pari ký ngày 27/01/1973, quân đội Mỹ phải rút quân về nước, bỏ lại quân đội ngụy bơ vơ, rệu rã và phải tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vào ngày 30/4/1975. Tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời kỳ này, phong trào cách mạng của quân và dân Gò Môn hình thành trong giai đoạn từ năm 1961 đến 1969 – giai đoạn ác liệt nhất, chiến đấu làm thất bại hai chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của quân đội Mỹ.

Nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 5/1961, Khu ủy quyết định hợp nhất hai địa phương Gò Vấp và Hóc Môn lại thành quận Gò Môn, bao gồm 21 xã – thị trấn và quận Gò Môn được chọn làm trọng điểm chỉ đạo phong trào đấu tranh.

 

 

  

 

Quang cảnh họp mặt Gò Môn lần thứ 20 tại Gò Vấp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dưới sự lãnh đạo của Quận ủy do đồng chí Út Hội làm Bí thư và đồng chí Lê Trung Nghĩa làm Phó Bí thư, đêm 10/7/1961 nhân dân Gò Môn đã nô nức tham gia phong trào đồng khởi, đồng loạt nổi dậy ở nhiều xã. Quần chúng nhân dân đã tự trang bị giáo mác, gậy tầm vông rầm rập xuống đường tuần hành, biểu dương khí thế cách mạng, đánh trống, gõ mõ, đòi đế quốc Mỹ cút về nước, kêu gọi binh sĩ ngụy quay về với nhân dân. Khí thế cách mạng như long trời, lở đất, khắp nơi ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, run sợ, nhiều tên bỏ trốn, tự tan rã hàng ngũ; số quân địch còn lại thì co cụm trong các đồn, bót, không dám hành động. Tiếp đó, quần chúng quay về quận lỵ Hóc Môn biểu tình, chiếm nhà việc ở các xã, làm chủ xóm ấp, bắt và trừng trị nhiều tên tề xã ác ôn có nợ máu với nhân dân.

Đầu năm 1962, thực hiện sách lược “tát nước bắt cá”, Mỹ - Ngụy triển khai quốc sách “ấp chiến lược” trên địa bàn nông thôn quận Gò Môn nhằm cách ly lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng của Đảng ra khỏi nhân dân. Cũng trong năm này, Quận ủy Gò Môn tiến hành củng cố lại lực lượng, phân công lại các đồng chí quận ủy viên phụ trách khối vận và các đoàn thể giải phóng. Việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cũng được Quận ủy Gò Môn chú trọng. Quận đã thành lập, củng cố Trung đội Gò Môn (gồm 22 đồng chí) và 2 đại đội bộ đội địa phương. Thời gian sau, cấp trên tăng cường cho quận Gò Môn 2 đại đội của Tiểu đoàn 2 Gò Môn. Nhờ tổ chức bí mật và nửa bí mật này nên phong trào vũ trang tuyên truyền kết hợp binh vận, biệt động, đánh địch ngay tại quận lỵ lại tiếp tục phát triển và giành được những thắng lợi quan trọng.

Từ năm 1963 đến 1965, quân và dân Gò Môn đã đi từ phá hỏng, phá rã đến phá toàn bộ hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn quận. Lực lượng dân quân vũ trang địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng Tiểu đoàn 2 Gò Môn tổ chức nhiều trận chiến đấu ác liệt tiêu diệt hàng trăm tên địch; chống các đợt càn quét, đánh phá của địch nhằm bảo vệ an toàn cho các vùng căn cứ cách mạng. Với khí thế kiên cường, dân quân Gò Môn đã tiến hành nổi dậy “diệt ác, phá kiềm”, giành quyền làm chủ khắp nơi trong quận, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Đáng chú ý, Trung đội Gò Môn đã sát cánh cùng nhân dân liên tục chiến đấu dũng cảm, chống trả nhiều trận càn quét, đánh phá của địch.

Giữa năm 1965, Khu ủy Sài Gòn quyết định thành lập phân khu Gò Môn do đồng chí Phạm Khải (Ba Kha) làm Bí thư. Phân khu chia thành 5 vùng quân sự. lực lượng vũ trang của Phân khu Gò Môn lúc này là Tiểu đoàn 2 “Quyết thắng”, đóng quân ở căn cứ Bình Mỹ. Ngoài ra, Phân khu còn quyết định thành lập 2 đơn vị Biệt động 67A và 68B, chuyên làm nhiệm vụ diệt ác. Tháng 7/1965, Tiểu đoàn 2 tiêu diệt một đại đội thuộc sư đoàn 5 của ngụy; tháng 10/1966, phối hợp du kích về xã Trung An bẻ gãy cuộc càn quét của 3 tiểu đoàn Mỹ, tiêu diệt gần 400 tên, bắn rơi 24 máy bay lên thẳng; tháng 11/1966, đánh diệt gần 300 tên Mỹ, bắn rơi 19 máy bay… Từ đầu năm 1966 đến đầu năm 1967, tính trung bình mỗi tháng quân dân Gò Môn đánh trên 10 trận chống càn với quy mô từ cấp đại đội trở lên, nhiều trận ta thắng lớn, tiêu diệt nhiều giặc, làm cho Mỹ - ngụy sa sút tinh thần, chịu nhiều thất bại trong các chiến dịch bình định tại các địa phương.

Đến cuối tháng 10/1967, Phân khu Gò Môn giải thể, Quận ủy Gò Môn được thành lập do đồng chí Dương Công Khi (Út Một) làm Bí thư và đồng chí Lê Trung Nghĩa làm Phó Bí thư. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong cả 2 đợt, bộ đội địa phương quận Gò Môn đã phối hợp cùng 4 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 (công trường Sư 9), dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ Đội Biệt động 67A, ta đánh vào căn cứ quân sự Gò Vấp, Bộ tổng tham mưu quân ngụy, Khu huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất… Quần chúng đã đồng loạt nổi dậy, chỉ đường cho bộ đội diệt ác ôn; tấn công vào sào huyệt của ngụy quyền như: công sở, chi khu bảo an, dinh quận trưởng, đồn dân vệ… Cơ sở cách mạng tại chỗ đã làm tốt nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường, dân công tải đạn, tải thương và phối hợp chiến đấu cùng lực lượng chủ lực… Đảng bộ và quân dân Gò Môn đã góp phần cùng quân dân miền Nam đánh cho Mỹ - ngụy những đòn nặng nề, đập tan uy thế xâm lược hung hãn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, quận Gò Môn nơi nào cũng biến thành chiến trường thiêu đốt quân cướp nước và bán nước. Bằng sức mạnh của lòng căm thù giặc, quân dân Gò Môn đã giữ vững truyền thống yêu nước đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta, quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.

Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại hồi tưởng vong linh của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng đất Gò Môn năm xưa. Tổ quốc mãi mãi ghi công 22 chiến sĩ Trung đội Gò Môn và khoảng 40 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh dưới lòng địa đạo tại vùng căn cứ cách mạng xã Trung An (Củ Chi) ngày 12/11/1964, ghi nhớ công ơn các liệt sĩ của Đội Biệt động 67A như đồng chí Tám Đen, đồng chí Tư Dò, đồng chí Phạm Út… và còn rất nhiều đồng chí khác. Sự đóng góp công sức máu xương của đồng bào, đồng chí sẽ mãi là niềm tự hào của toàn Đảng toàn quân, toàn dân của quê hương Gò Môn. Từ truyền thống hào hùng bất khuất của Gò Môn năm xưa, 4 quận huyện (Gò Vấp, 12, Củ Chi, Hóc Môn) hôm nay ra sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển toàn diện, vững chắc, luôn xứng đáng với truyền thống Gò Môn bất khuất.

 

Tin, ảnh: Viện Nguyễn

 

 


Số lượt người xem: 4494    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày