Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
1
8
2
5
1
7
2
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 12:40:00 CH

Chuyện kể từ người lính Gò Môn xưa

Ông Nguyễn Văn Nắng (SN 1948) sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thới Tam Thôn giàu truyền thống cách mạng, hàng ngày được chứng kiến sự đấu tranh bền bỉ, gian khổ nhưng không kém phần anh dũng của các chiến sĩ cách mạng địa phương, nên chỉ mới 13, 14 tuổi ông đã tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Gò Môn bằng những việc nhỏ như chiều chiều đi ra bờ sông, quan sát khu vực xung quanh xem tình hình lính tráng của địch như thế nào rồi báo về cho các đồng chí cấp trên.

Trong năm 1968, địch thất bại với “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” nên sau năm 1968 chúng cho quân phản kích liên tục, thực hiện “bình định cấp tốc”, lấn chiếm được phần lớn nông thôn Sài Gòn, Gia Định. Trong thời gian này, địch điên cuồng đàn áp các phong trào cách mạng tại địa phương làm cho lực lượng cách mạng tổn thất khá nặng. Cuối năm 1968, ông Nắng đảm nhiệm vai trò tổ trưởng, tiểu đội phó thuộc Đại đội 1 (C1), cùng 2 đồng đội được phân công nhiệm vụ bám sát địa bàn Bình Mỹ để liên hệ với lực lượng địa phương củng cố lại phong trào cách mạng. Lúc này Bình Mỹ A là vùng trắng, được địch gọi là vùng tự do oanh kích, nên khi tổ của ông đến nơi không gặp được người dân nào, lực lượng cách mạng tại địa phương cũng chỉ còn vài người mà phải hơn 1 tháng sau ông mới bắt được liên lạc với họ. Lúc mới xuống, mỗi người chỉ mang theo vài kg gạo, muối và lương khô, do tưởng còn người dân ở đó nên còn nhờ cậy được. Khi hết gạo ăn, mọi người trong tổ phải tìm những rau củ mà người dân trồng còn sót lại, ăn hết môn ngọt sau phải ăn cả môn ngứa. Ông kể vui, ăn môn ngứa nhiều đến nỗi có kinh nghiệm làm cho môn ngứa thành môn ngọt, từ đó việc ăn uống mới đỡ hơn.

Trong thời gian tham gia chiến đấu tại địa phương, ông Nắng nhớ nhất là thành tích cả tổ chỉ 4 người nhưng đã 2 lần đánh cháy tàu “mặt dựng” của địch tại rạch Bảy Cào. Lần đầu, tổ ông dùng một quả B40 cùng với 2 quả lựu đạn gây thương vong cho khoảng trên 30 tên. Ông kể đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in tên lính Mỹ da đen ôm khẩu súng đại liên đứng trên tháp tàu bị văng xuống sông khi trái B40 phát nổ. Cả tổ ông vui lắm, vì cũng may quả B40 phát nổ, nếu không nổ thì coi như mình cũng tự sát vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần, không có cơ hội cho lần ném thứ 2. Lần thứ hai thì ông Nắng bị thương, đến bây giờ vẫn còn nhiều mảnh đạn nằm trong lưng, trở trời lại rất đau nhức. Năm 1970, thì ông Nắng bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc đến năm 1973 thì được trao trả ngoài Bắc. Năm 1974 ông về lại quê hương và công tác tại đội kiểm soát quân sự phòng Tham mưu Bộ tư lệnh Thành. Đến tháng 3/1975 ông về công tác Trung đoàn Gia Định và về hưu năm 1989. Từ đó đến nay ông sống cùng gia đình tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Về lại địa phương trong thời bình nhưng bản chất người lính trong ông vẫn luôn được phát huy. Hai vợ chồng ông đều là thương binh nhưng không ngại khó, ngại khổ, làm tất cả các công việc từ bán rau, nuôi heo, nuôi bò cho đến trồng kiểng để nuôi 4 người con ăn học. Trò chuyện với chúng tôi, ông tâm sự, đến bây giờ hai vợ chồng ông đã rất giàu có, giàu có vì các con được ăn học đến nơi đến chốn và nay người nào cũng đã có những bước tiến vững vàng trong công việc. Tài sản lớn nhất ông để lại cho các con chính là lòng yêu nước, sự trung thành với Đảng, với Nhà nước và tinh thần vượt mọi gian khó để đi lên trong cuộc sống, từ đó các con ông cũng đi theo con đường hoạt động trong các công tác Đảng, công tác chính quyền để phục vụ cho người dân.

 

 

Tin, ảnh: Quỳnh Thy

 


Số lượt người xem: 3978    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày