Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
3
6
5
4
4
Tin tức sự kiện 21 Tháng Sáu 2012 2:40:00 CH

Niềm đam mê của người làm báo trẻ

 

Mỗi dịp 21/6 hàng năm là ngày hội của những người làm báo, là dịp để chúng tôi nói lên tâm sự, nguyện vọng của mình. Tôi thấy vinh dự, tự hào khi được đứng trong đội ngũ người làm báo cách mạng. Trước đây khi chưa học báo, tôi không thể nào hình dung nổi sự phức tạp và khó khăn của nghề làm báo. Nhưng khi đã vào nghề, tôi thấy nghề làm báo không chấp nhận sự lười biếng, thiếu sáng tạo dù là làm báo Trung ương hay báo địa phương. Tuy nhiên để có thể tự khẳng định mình, người làm báo phải thực sự yêu nghề và biết học hỏi. Khi biết tôi làm báo nhiều người tỏ vẻ ái ngại vì cho rằng đàn ông làm báo còn mệt huống chi là phụ nữ. Làm báo vất vả đủ đường, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa phải chăm lo cho gia đình, thêm biết bao nhiêu áp lực…
Những ngày đầu về công tác tại một tờ báo địa phương, cái khó khăn với tôi không phải là vấn đề nghiệp vụ mà là vấn đề hết sức đơn giản: đường đi. Đừng nên xem đó là chuyện nhỏ, nó sẽ trở thành không nhỏ khi bạn được cử đến viết một cái tin, nhưng không hề biết đơn vị ấy nằm ở đâu, cơ quan, doanh nghiệp ấy đóng ở địa điểm nào. Ngay cả khi được một người nhiệt tình hướng dẫn thì đó cũng chỉ là cách nói trên lý thuyết mà thôi.
Vài tháng sau khi đã thông thuộc địa bàn rồi thì khó khăn kế tiếp có lẽ là vấn đề tuổi tác. Không kể những khó khăn do kỹ năng giao tiếp của một người làm báo trẻ, làm thế nào để có được tin, bài. Chỉ nói việc rất nhiều đối tượng tiếp xúc luôn quan niệm nhà báo là một người đứng tuổi, đạo mạo, với cặp kính dầy cộp và chiếc máy ảnh đeo bên hông khiến những người làm báo trẻ tuổi luôn khó khăn khi tiếp xúc với họ. Khi gặp một người còn quá trẻ, mới nhìn là đủ biết mới ra trường, nhiều vị không muốn tiếp chuyện vì không tin một người trẻ như thế. Chính vì thế đôi khi bản thân người viết đã phải rất khó khăn khi thuyết phục đối tượng hợp tác trong việc cung cấp thông tin.
Khó khăn thứ ba là việc chạy theo những sự kiện “nóng” mà bản thân chưa từng gặp bao giờ và khi bắt tay vào viết cũng chưa có một hình dung nào cụ thể về vấn đề ấy. Sự “hoang mang” ấy là có thật, nhất là đối với tôi khi vài lần được phân công tuyên truyền những sự kiện quan trọng. Áp lực về thời hạn nộp bài vở thì vẫn phải tuân thủ, song những vấn đề đụng tới không phải là vấn đề có thể “viết nhanh” được. Những lần như thế áp lực công việc quả là nặng nề với những người trẻ tuổi chưa làm quen với cường độ làm việc nhanh nhạy, kịp thời của báo chí hiện đại. Tất nhiên bản thân tôi cũng xem đó như một thử thách và đôi khi đó lại là một cơ hội để trau dồi nghiệp vụ. Mỗi lần như vậy tôi đều tự nhủ: Nghề nào chẳng có những khó khăn huống hồ nghề làm báo, những khó khăn rất đặc thù.
Đúng thế, công việc nào cũng có khó khăn, thuận lợi, những áp lực riêng. Trong xã hội chẳng có gì là nhàn hạ cũng chẳng có nghề gì mà phụ nữ không làm được. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn. Nếu ai mới thấy khó khăn đã nản chí, cho rằng nghề báo là gian khổ, vất vả thì không thể làm báo được. Vì vậy phụ nữ cũng như nam giới đều có thể làm báo được và làm báo tốt nếu như họ có một chữ “say” với nghề để ngòi bút được thăng hoa qua từng trang viết. Bây giờ, trong tôi luôn vang vang lời Bác dạy “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, đó chính là hành trang quý báu để mỗi người làm báo chúng tôi hoàn thành sứ mệnh cao cả là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tôi nhận thấy gắn bó với nghề làm báo giúp mình thật sự trưởng thành nhanh hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống. 
Bài: Anh Thư

Số lượt người xem: 4546    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày