Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
2
4
9
5
0
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2011 12:20:00 CH

Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc, người ra đi tìm đường trở thành người dẫn đường cứu nước

Trong bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên có câu: "Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương"... Nhà thơ đã nói lên tâm trạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba đêm đầu tiên (5/6/1911) trên con tàu La Touche Treville làm phu phục dịch để bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài "xem người ta làm thế nào, để khi về giúp đồng bào mình cứu nước".

 

 Cuộc hành trình 30 năm ròng, đi qua 28 nước như Mỹ, Pháp, Anh, một số nước châu Phi, châu Âu, đến quê hương Lênin học tập; về châu Á như Hong Kong, Thái Lan, Trung Quốc v.v... Đi đến đâu, Người đều học tiếng nước đó để giao tiếp, Người quan sát, học hỏi, làm quen kết bạn với những người tiến bộ, với giai cấp công nhân nước sở tại, với các dân tộc bị đô hộ, thuộc địa để giúp nhau trong đấu tranh. Tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gặp và thảo luận, thống nhất với hai nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường "Bản yêu sách 8 điểm của những người yêu nước An Nam" và ký tên Nguyễn Ái Quốc.- nên từ đó tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Bản yêu sách đã được công bố công khai trên báo chí trước ngày khai mạc hội nghị Versaille. Do đó, đặt trước các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị cần phải có sự xem xét và nhất là công luận đã lên tiếng thì nhân dân Pháp và các lực lượng tiến bộ sẽ ủng hộ.
 Một sự kiện chính trị quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đó là ngày 16 và 17/7/1920, trên tờ báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp, có đăng bài "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin, đã gây xúc động lớn đến Nguyễn Ái Quốc. Sau này Bác nhớ lại: "Luận cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, cảm động biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta". Từ đó tôi hoàn toàn theo Lênin, theo Quốc tế thứ ba". Tại Đại hội Tour, nhóm họp từ ngày 25/12/1920, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của những người bản xứ, có mặt tại đại hội. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, tán thành cách mạng vô sản. Sau này Bác nhớ lại:" Cá nhân tôi, lúc đầu nhờ học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ trở thành chiến sĩ xã hội chủ nghĩa".
 Nguyễn Ái Quốc đã lập ra "Hội liên hiệp thuộc địa" nhằm tập hợp lực lượng, đoàn kết các dân tộc thuộc địa với giai cấp công nhân chính quốc đấu tranh chống kẻ thù chung. "Hội liên hiệp thuộc địa" chính thức thành lập ngày 26/6/1921 tại Paris. Hội xây dựng chương trình, điều lệ và ra bản tuyên ngôn do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đặc biệt, Hội cho ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, viết bài và có lúc làm cả việc phát hành nữa. Báo LeParia đóng góp rất lớn cho việc truyền tải tư tưởng tiến bộ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và nhiều nước thuộc địa khác, nhằm kêu gọi đoàn kết đấu tranh.
 Sau thời gian học tập trên quê hương Lênin, Người về Quảng Châu (Trung Quốc), mở lớp đào tạo cán bộ, ra báo Thanh Niên (số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, được Đảng và Nhà nước ta lấy làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam) và sách Đường Kách mệnh để tuyên truyền, giáo dục những chiến sĩ cách mạng đầu tiên cho đất nước. Tháng 6/1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ra đời, nhiều cán bộ về nước xây dựng, phát triển tổ chức cách mạng. Ngày 3/2/1930, Người chủ trì cuộc họp hợp nhất ba tổ chức Đảng trong nước, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc). Từ đây dân tộc Việt Nam đã có một chính đảng lãnh đạo, có chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng, có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau là Hồ Chí Minh vạch đường lối cho công cuộc giành độc lập dân tộc.
 Từ một người yêu nước nhiệt tình cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước và dấn thân vào cuộc đấu tranh để thực hiện thắng lợi con đường đó. Nguyễn Ái Quốc đã trưởng thành vượt bậc, từ người yêu nước thành người cộng sản, từ một thân phận đi tìm tòi, lao động đủ nghề trở thành người tổ chức, tuyên truyền cách mạng nổi tiếng thế giới. Con người mẫn tiệp, một nghị lực phi thường, một tấm lòng nhiệt tình đam mê cách mạng, từ một người đi tìm đường, trở thành người dẫn đường. Là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp trở thành người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
 
Tin: Vũ Chi

Số lượt người xem: 4616    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày