Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
0
4
6
4
2
2
Tin tức sự kiện 09 Tháng Bảy 2012 3:05:00 CH

Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ

 

1. Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Ảnh Thủ
Nguyễn Ảnh Thủ, sinh năm 1821, tại làng Tân Sơn Nhì trong một gia đình khá giả. Vốn giàu lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược, ông đã gia nhập nghĩa quân Trương Định để đánh Pháp.
Tháng 2 năm 1861, quân Pháp tiến đánh đại đồn Chí Hòa. Sau khi chiếm được đại đồn, chúng mở rộng đánh sang đồn Thuận Kiều. Nghĩa quân Trương Định phải rút về Gò Công. Bản thân Nguyễn Ảnh Thủ lập kế trá hàng, ra làm thôn trưởng Tân Thới Nhì đồng thời âm thầm chiêu mộ nghĩa quân để chờ ngày khởi nghĩa. Ông thu thuế nhưng không nộp cho Pháp mà dùng để nuôi nghĩa quân. Việc bị bại lộ, ông phải chạy về Bình Lý, Mây Tàu, rồi xuống vùng Gò Công - Mỹ Tho hoạt động.
Đến năm 1863, Nguyễn Ảnh Thủ trở về chuẩn bị khởi nghĩa thì bị Pháp bắt. Chúng kết án ông 5 năm tù. Năm 1868 được trả tự do, ông đưa gia đình lên Tân Hưng, bản thân ông cùng các con lên vùng Mây Tàu để chiêu mộ nghĩa quân. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 29 tháng 6 năm 1871 (nhằm ngày 11 tháng 5 năm Tân Mùi), Nguyễn Ảnh Thủ phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân đánh chiếm làng Bà Điểm, thừa thắng tiến đánh đồn Thuận Kiều, giết chết tên trưởng đồn Lepazsuie cùng nhiều binh lính giặc. Nhưng thủ lĩnh Nguyễn Ảnh Thủ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu. Nhận được tin cấp báo, Pháp nhanh chóng điều quân từ Bà Quẹo lên tái chiếm Thuận Kiều. Chúng đem xác ông đi thủ tiêu đồng thời ráo riết lùng bắt nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Ảnh Thủ lãnh đạo tuy thất bại nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong vùng, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ quê hương.
2. Di tích Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ
Sau khi Nguyễn Ảnh Thủ hy sinh, để tưởng nhớ công ơn và tấm lòng vì nước quên thân của ông, nhân dân đã lập đền thờ ông ở hai nơi: một ở sát đồn Thuận Kiều hướng Gò Công - nơi ông hy sinh, một ở ấp Tân Hưng nay là ấp Hàng Sao, phường Đông Hưng Thuận. Đến năm 1890 nhân dân lập một đền thờ nữa ở phường Tân Thới Nhất ngày nay.
Trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa, Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ là nơi hội họp của các tổ chức bí mật tại địa phương. Tháng 10 năm 1945, Quận ủy Hóc Môn đã thành lập một số Mặt trận trong đó có Mặt trận cầu Tham Lương. Đền Nguyễn Ảnh Thủ được chọn làm nơi tập trung các đội cảm tử quân, tự vệ của Tân Thới Nhất chuẩn bị chiến đấu tại mặt trận này. Đền cũng là nơi thu gom đồng do nhân dân đóng góp để đúc súng, vỏ đạn phục vụ kháng chiến.
 Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ là trạm liên lạc, địa điểm hội họp bí mật của bộ đội. Vì vậy Đền nhiều lần bị Mỹ Ngụy càn quét. Chúng từng đưa nhiều tiểu đoàn lính về đóng ngay trong Đền và khu vực xung quanh. Năm 1968, sau khi kết thúc đợt tấn công thứ nhất, các đơn vị biệt động của ta rút ra ngoại thành. Một nhóm biệt động đặc công thuộc Tiểu đoàn 12 được cử về Tân Thới Nhất làm công tác điều nghiên chuẩn bị tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong đợt 2. Nhóm trinh sát này được quần chúng xung quanh Đền Nguyễn Ảnh Thủ nuôi giấu. Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, một nhóm trinh sát về bí mật đóng quân ở Tân Thới Nhất. Lúc này phía sau Đền thờ có một hòm thư bí mật, hàng ngày người dân địa phương giúp trao đổi thông tin liên lạc, đem lương thực giấu ở phía sau Đền để nuôi bộ đội.
Sau ngày đất nước thống nhất nhân dân địa phương đóng góp tiền của, công sức sửa sang lại Đền. Đợt trùng tu lớn nhất là vào năm 1990 bằng nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương, khách thập phương và sự hỗ trợ của dòng họ Nguyễn Ảnh. Hằng năm Đền tổ chức giỗ anh hùng Nguyễn Ảnh Thủ vào ngày 13 tháng 5 âm lịch.
Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ được Công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố theo Quyết định số 3948/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Đền thờ Nguyễn Ảnh Thủ hiện tọa lạc tại tổ 60, khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM.
Bài, ảnh: BBT
 

Số lượt người xem: 6678    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày